Tòa tuyên án vụ ‘chuyến bay giải cứu’

Hà Nội sau gần một tuần HĐXX nghị án, 44 trong 54 bị cáo vụ “chuyến bay giải cứu” bắt đầu được dẫn giải tới tòa, chuẩn bị nghe bản án sơ thẩm sẽ tuyên lúc 14h.

Theo thông báo của TAND Hà Nội, 14h HĐXX sẽ tuyên án với 28 cựu quan chức và 26 bị cáo khác trong đại án “chuyến bay giải cứu”. Cụ thể, 21 người bị xét xử về tội Nhận hối lộ; 24 người về tội Đưa hối lộ; 4 người tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ  4 người Môi giới hối lộ.

Trong 54 bị cáo, 44 người bị tạm giam, được cán bộ hỗ trợ tư pháp đưa tới TAND Hà Nội trên 14 xe thùng từ 13h30.

Qua 12 ngày thẩm vấn và tranh tụng, VKS đề nghị phạt tử hình cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y Tế Phạm Trung Kiên với cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất vụ án; 48 người án tù có thời hạn (18 tháng đến 20 năm) và 5 người án treo (một đến 3 năm).

Phiên xét xử kết thúc sau 18 ngày, sớm 12 ngày so dự kiến kéo dài một tháng. Số người tham gia được cho là nhiều nhất trong những đại án gần đây với 54 bị cáo, 105 luật sư, 46 người có quyền nghĩa vụ liên quan, 33 nhân chứng.

Trong quá trình trả lời thẩm vấn, nhiều cựu quan chức khóc vì hối hận, sợ hãi trước mức án quá nghiệt ngã, khóc vì nhận ra sai lầm quá muộn, phụ lại lòng tin yêu của đơn vị, nhân dân và gia đình. Các bị cáo là cựu doanh nhân khóc vì cho rằng trở thành “nạn nhân” của một cơ chế ngầm, văn hóa phong bì. Họ khai bị ép buộc đưa tiền, gây khó dễ ngay trong cảnh kinh doanh khốn khó, kiệt quệ vì dịch bệnh.

Một số người khóc với lý do đẩy bạn bè, anh em, vợ chồng sa vào lao lý. Có mặt tại tòa, cha mẹ của một số bị cáo xin tòa khoan hồng cho con với nguyện vọng đoàn tụ trước khi họ qua đời vì già yếu, bệnh tật.

Nhiều bị cáo đã được VKS đánh giá lại các tình tiết giảm nhẹ, số tiền đã khắc phục hậu quả để điều chỉnh mức án đề nghị, trong đó 5 người được giảm một năm tù; 4 người được chuyển từ án tù có thời hạn sang án treo.

Với số lần đưa – nhận hối lộ lên tới 515 lần, tổng 165 tỷ đồng, hành vi của 21 cựu quan chức nhận hối lộ bị VKS đánh giá là “tham nhũng cực kỳ nguy hiểm”, “phản bội sự cố gắng của chính đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí của mình”.

Vụ án xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử nhân loại, trong khi Chính phủ có phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” thì nhóm cán bộ này lại lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, “trong sự khó khăn cùng cực của người dân”. Sai phạm của các bị cáo bị xác định đã làm mất tính nhân đạo của những chuyến bay giải cứu, cơ quan công tố buộc tội.

VKS cho hay, theo thống kê của Bộ Y tế đến hết 19/7, hơn 43.000 người Việt Nam chết vì Covid. Chính vì vậy, sai phạm của 21 quan chức này, đã gây bất bình trong nhân dân, phản bội sự cố gắng của cả đất nước, những người đã trải qua một đại dịch “thảm khốc đau thương”.

Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo – người dân tự trả phí toàn bộ.

Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố – nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ phê duyệt tổng 372 chuyến bay combo. Để có chi phí “bôi trơn” khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, “vẽ” thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.

Tổng số công dân trên 372 chuyến bay combo là hơn 93.000 người.

Author: admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *